New

Trong giai đoạn thời tiết giao mùa, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều sẽ khiến vật nuôi không kịp thích nghi nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Người chăn nuôi cần lưu ý những điều sau để đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm.

Con giống

Nên mua ở những cơ sở uy tín, tin cậy, đảm bảo an toàn dịch bệnh và có giấy chứng nhận kiểm dịch của thú y. Chỉ chọn những con khỏe mạnh, mắt sáng, nhanh nhẹn, không có khuyết tật... Khi mua về cần nuôi riêng ở khu cách ly từ 2 - 3 tuần nếu không có biểu hiện của bệnh thì cho vào khu chăn nuôi chung.

 Chuồng trại và vườn nuôi

 Khu vực chăn nuôi phải được rào kín, cần giữ cho chuồng trại luôn khô ráo, thông thoáng và đủ ánh sáng. Thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, đặc biệt vào mùa mưa cần che chắn sao cho nước mưa không tạt, gió không lùa được vào, chuồng không dột, không ngập. Tránh để những khu vực tù đọng quanh chuồng nuôi cần có hệ thống thoát nước, đặc biệt củng cố hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt bởi đây có thể là nơi phát tán dịch bệnh.

Nếu khu chuồng nuôi quá trũng, nền chuồng cần tôn cao tránh ngập úng. Nếu bị ngập úng, cần di dời vật nuôi đến vùng cao hơn. Khi nước rút, cần cọ rửa, quét dọn vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi, thu gom rác thải... sau đó tiến hành khử trùng tiêu độc.

Sau mỗi đợt nuôi phải tổng vệ sinh, khử trùng và tiêu độc toàn bộ chuồng trại hay vườn nuôi. Kiểm tra xem cần sửa chữa những khu vực nào, sau đó để trống chuồng nuôi ít nhất 15 ngày trước khi nuôi lứa mới. Có thể áp dụng kiểu nuôi trên nền đệm lót sinh học vừa chăn nuôi an toàn vừa tiết kiệm chi phí.

Phòng chống dịch bệnh cho gia cầm trong mùa mưa rất quan trọng - Ảnh: VM

 Thiết bị chăn nuôi và thức ăn

Máng ăn uống cũng là nơi dễ lây lan bệnh nhất, vì vậy máng ăn uống phải để sao cho hợp lý, tránh để vật nuôi dẫm hay trèo lên. Cùng với đó cần thường xuyên vệ sinh không để tình trạng đóng cặn trong máng ăn uống.

Dự trữ thức ăn đảm bảo đầy đủ vào mùa mưa bão. Thức ăn tùy theo giai đoạn, không sử dụng thức ăn ôi thiu mốc. Đặc biệt thức ăn không rõ nguồn gốc hay quá hạn cần bỏ ngay. Giai đoạn dễ có dịch bệnh như mùa mưa, bổ sung thêm thức ăn tăng sức đề kháng hoặc pha vào nước uống một số vaccine phòng bệnh.

Chăm sóc và nuôi dưỡng

Theo dõi thường xuyên sức khỏe đàn gia cầm, nhất là ở giai đoạn còn úm. Luôn đảm bảo đủ nhiệt đủ ánh sáng. Không nuôi chung nhiều loại gia cầm hoặc gia cầm nhiều lứa tuổi trong cùng khu vực. Hạn chế tối đa những thứ có thể mang mầm bệnh vào khu chăn nuôi. Ngăn ngừa không để các động vật khác hoặc động vật hoang dã tiếp xúc với chuồng nuôi. Nếu thấy vật nuôi có biểu hiện của bệnh cần tách ra và chuẩn đoán chữa trị. Khi khỏi bệnh mới cho nhập lại đàn.

Thú y

Chủ động tiêm phòng dịch: cúm gia cầm, tụ huyết trùng, Newcastle, E coli...

Người chăn nuôi ngoài vệ sinh chuồng trại thì cũng chú ý xử lý phân, rác và chất thải trong chăn nuôi. Nếu thấy vật nuôi ốm, chết bất thường cần báo cho cán bộ thú y của địa phương để có hướng giải quyết. Không bán chạy, phát tán gia cầm ốm, chết ra thị trường. Bao vây ổ dịch tiêu hủy toàn bộ gia cầm chết, mắc bệnh, gia cầm khác trong đàn và chất thải bằng cách đốt hoặc đào hố chôn sâu có chất sát trùng, vôi bột theo quy định của thú y. Vệ sinh tiêu độc ổ dịch theo hướng dẫn của bác sĩ thú y.

Phòng chống dịch bệnh cho gia cầm trong mùa mưa bão cần được các hộ chăn nuôi tổ chức thường xuyên, liên tục và cần sự quan tâm đến từ các cấp quản lý để đảm bảo an toàn dịch bệnh và giảm thiệt hại cho người chăn nuôi một cách tối đa.

Bài viết gần nhất

Thông tin quảng cáo

New